Nghe luôn là một trong những kỹ năng quan trọng và sẽ không bao giờ là đủ cho việc luyện tập kỹ năng nghe trong tiếng Anh. Thông thường, hầu hết khi được hỏi thì đây cũng là kỹ năng mà bạn muốn cải thiện nhất sau kỹ năng nói. Tuy nhiên, so với kỹ năng nói luôn được giáo viên dễ dàng trợ giúp bằng nhiều tổ hợp hoạt động thảo luận nhóm thì kỹ năng nghe phải phụ thuộc vào bản thân tự tìm tòi và mài dũa liên tục.
Luyện nghe ở nhà với một lượng tài nguyên khổng lồ có sẵn trên mạng, học viên có thể thực hành nhiều hơn để phát triển kỹ năng này trong bất kỳ thời gian nào trong ngày. Podcast là lựa chọn hàng đầu trong trường hợp này. Việc luyện nghe qua podcast không chỉ giúp bạn phát triển khả năng nghe hiểu một cách tự nhiên và hiệu quả, mà còn mang đến nhiều lợi ích bổ ích cho quá trình học ngôn ngữ. Nhưng liệu podcast có thực sự phù hợp với tất cả mọi người?
Luyện nghe thông qua podcast là một phương pháp rất hiệu quả để nâng cao khả năng nghe hiểu trong việc học một ngôn ngữ khác. Podcast mang đến nhiều ưu điểm giúp bạn phát triển kỹ năng này một cách tự nhiên và linh hoạt.
Việc nghe các cuộc trò chuyện và tình huống thực tế trong podcast giúp bạn làm quen với cách ngôn ngữ được sử dụng hàng ngày, từ đó cải thiện khả năng hiểu và tương tác trong các tình huống giao tiếp thực tế.
Podcast cũng giúp bạn làm quen với nhiều loại giọng điệu, tốc độ và cách diễn đạt khác nhau, từ đó tăng khả năng thích nghi với các ngữ điệu khác nhau và nâng cao khả năng nghe hiểu trong các ngữ cảnh khác nhau. Việc chọn lựa các podcast có chủ đề phù hợp với sở thích và trình độ của bạn cũng là điểm quan trọng, giúp bạn duy trì sự hứng thú trong quá trình học.
Một ưu điểm khác của việc luyện nghe qua podcast là tính linh hoạt. Bạn có thể lựa chọn thời gian và nơi luyện tập một cách thuận tiện, ngay cả khi bạn đang làm các công việc khác hoặc di chuyển. Điều này giúp bạn tận dụng thời gian trống rải rác trong ngày để luyện tập.
Việc cải thiện và năng cao kỹ năng nghe bằng podcast có thể mang đến cho chúng ta nhiều lựa chọn phong phú, đa dạng từ các chủ đề, giọng đọc hay cách nói giúp chúng ta trở nên quen thuộc hơn với ngữ âm tiếng Anh và nâng cao vốn từ vựng rõ rệt. Nhưng không phải ai cũng thành công với phương pháp này.
Đối với một số học viên học bằng thị giác thì có thể không lựa chọn podcast vì không có hình ảnh. Đôi khi việc lắng nghe đơn thuần khiến họ cảm thấy nhàm chán và buồn ngủ. Ngoài ra, người học thường đối mặt với ba vấn đề chính có thể gây khó khăn và thách thức trong quá trình luyện nghe bằng podcast.
Thứ nhất, tốc độ và “phương ngôn ngữ” khác nhau trong các podcast có thể làm cho quá trình nghe hiểu trở nên khó khăn. Một số podcast được thực hiện với tốc độ nói tự nhiên, kèm theo đó là sử dụng các ngôn ngữ địa phương hay sử dụng từ vựng và ngữ pháp phức tạp, gây ra khả năng mất đi sự rõ ràng và khả năng theo kịp nội dung đặc biệt là đối với những người mới bắt đầu còn thiếu kỹ năng nghe chú ý, phân biệt âm thanh, và khả năng lắng nghe chi tiết.
Thêm vào đó, tốc độ nói cũng thay đổi đáng kể giữa các podcast. Khi nghe một ngôn ngữ mới, người học thường phải tập trung để chuyển đổi từ ngôn ngữ “nghe” sang ngôn ngữ “hiểu”. Quá trình này đòi hỏi thời gian và thực hành liên tục để cải thiện khả năng phản xạ ngôn ngữ và hiểu ngôn ngữ. Vậy khi tốc độ nói quá nhanh hoặc quá chậm so với trình độ của bạn, bạn có thể gặp khó khăn trong việc theo kịp nội dung và hiểu ý nghĩa chính xác của từ và câu.
Ví dụ: một trong những podcast nổi tiếng là Ted Talks Daily có khá nhiều người nghe nhưng nó lại không phù hợp với beginners tuỳ có nhiều chủ đề khá gần gũi với cuộc sống hằng ngày vì tốc độ nói nhanh và sử dụng ngôn ngữ địa phương của host khiến cho khả năng nắm bắt nội dung trở nên khó khăn.
Link: https://open.spotify.com/show/1VXcH8QHkjRcTCEd88U3ti?si=71b462c59d834cf5
Thứ hai, sự đa dạng về giọng điệu và ngữ điệu trong podcast có thể gây ra một số thách thức khi luyện nghe, đặc biệt là đối với những người mới học ngôn ngữ. Mỗi người nói có giọng điệu và cách diễn đạt riêng, dẫn đến sự biến đổi trong cách từ và câu được phát âm. Khi bạn chuyển đổi giữa các podcast do các người nói khác nhau thực hiện, việc nhận biết từ và nội dung có thể trở nên khó khăn và mất thời gian hơn để thích nghi.
Hơn nữa, sự đa dạng trong podcast chính là sự thay đổi trong ngữ điệu và ngôn ngữ. Ngữ điệu không chỉ ảnh hưởng đến cách từ được phát âm, mà còn tác động đến cách mà ngữ cảnh và ý nghĩa được truyền đạt. Sự biến đổi này có thể tạo ra khó khăn trong việc xác định ngữ cảnh và khiến việc hiểu ý nghĩa chính xác trở nên phức tạp.
Ví dụ: không chỉ riêng tiếng Anh mà những đặc trưng tiếng vùng miền của tiếng Việt cũng khiến cho nhiều người Việt rơi vào trạng thái “tiến thoái lưỡng nan" khi hiểu sai ngữ cảnh. Khi làm “rớt" điện thoại thì người miền Nam sẽ hiểu là “Đánh rơi điện thoại" còn miền Bắc sẽ hiểu là “Đánh mất điện thoại". Hoặc trường hợp, ở miền Nam: “cho em 1 ly trà” thì miền Bắc: “cho em 1 chén chè"
Thứ ba, hạn chế vốn từ vựng và ngữ pháp có thể ảnh hưởng đáng kể đến khả năng nắm bắt trọn vẹn nội dung truyền tải khi luyện nghe bằng podcast. Khi bạn gặp phải các từ vựng mới trong podcast, việc hiểu đúng nghĩa của chúng có thể trở nên khó khăn, dẫn đến việc bạn bỏ lỡ một phần quan trọng của nội dung hoặc hiểu sai ý nghĩa thực sự của cuộc trò chuyện. Điều này cũng có thể khiến bạn không thể nắm bắt được sự logic trong podcast.
Hơn nữa, khi gặp cấu trúc ngữ pháp phức tạp cũng có thể làm mất đi ngữ cảnh tổng thể của cuộc trò chuyện. Ngữ cảnh đóng vai trò quan trọng để hiểu rõ tình huống, các quan điểm và ý kiến được trình bày trong podcast. Khi không thể hiểu rõ ngữ cảnh, bạn có thể hiểu sai hoặc không thể đánh giá chính xác những thông tin được truyền tải. Mặt khác, nó cũng ảnh hưởng đến khả năng tổng hợp thông tin và xây dựng hình dung tổng quan về nội dung. Bạn có thể gặp khó khăn trong việc tóm tắt lại những điểm chính của podcast sau khi nghe xong và không thể nắm bắt được các mối liên hệ giữa các ý trong cuộc trò chuyện.
Ví dụ như podcast của BBC Earth chủ yếu xoay quanh về các loài động vật, hành tinh và khám phá thế giới tự nhiên. Trong podcast này không chỉ những beginners gặp khó khăn trong việc nghe đến cả những người học tiếng Anh lâu năm khó có thể nghe ra những từ chuyên ngành.
Link: https://open.spotify.com/show/7I1Iv7SlYzNBAhZdGvajYJ?si=222f18b23056478c
Khi luyện nghe bằng podcast, bạn thường xuyên sẽ phải đối mặt với những hạn chế này. Tuy nhiên, không nên bỏ cuộc mà thay vào đó, hãy coi chúng là cơ hội để phát triển khả năng nghe hiểu của bản thân.
Đầu tiên, luyện nghe theo từng bước bằng cách lựa chọn các podcast phù hợp với trình độ của bạn. Bạn có thể bắt đầu từ các bài podcast có tốc độ chậm để làm quen. Khi cảm thấy thoải mái hãy từ từ tăng lên tốc độ bình thường. Ngoài ra, lặp lại việc nghe podcast nhiều lần cũng là một cách tốt để nắm vững nội dung và cải thiện khả năng nghe hiểu.
Tiếp theo, để vượt qua sự đa dạng về giọng điệu và ngữ điệu, hãy nghe nhiều loại podcast từ các nguồn và người nói khác nhau để làm quen với cách diễn đạt. Để việc luyện nghe phát huy tối đa, việc sử dụng tài liệu kèm theo hoặc transcript là một cách hữu ích để theo dõi nội dung và điều chỉnh khi mất thông tin. Từ đó, giúp bạn hiểu rõ hơn về những gì đang được nói và tạo liên kết giữa từ ngữ và ngữ cảnh.
Ngoài ra, tăng cường học từ vựng và ngữ pháp thông qua việc đọc sách, học từ điển, hoặc sử dụng ứng dụng. Khi luyện nghe, bạn có thể sử dụng từ điển hoặc ứng dụng để tra cứu từ vựng mới. Ghi chú lại các từ và cấu trúc ngữ pháp mới. Sau đó, cố gắng tìm hiểu ý nghĩa và cách từ đó được sử dụng trong bài nói. Điều này giúp bạn nắm bắt được ý nghĩa của từ mà không cần dựa vào phiên âm hay bản dịch. Từ đó, bạn sẽ học được cách phân tích và đoán nghĩa của từng từ và cụm từ. Đồng thời, luyện tập ngữ pháp định kỳ để hiểu sâu cấu trúc ngữ pháp và cách nó được áp dụng trong từng ngữ cảnh thực tế.
Bên cạnh đó, lựa chọn các podcast có chủ đề quen thuộc cũng giúp bạn tập trung vào ngữ cảnh và giảm khả năng bỏ lỡ thông tin quan trọng. Sau đó, dần dần chuyển sang các chủ đề phức tạp hơn. Bạn có thể nghe các bài hát, xem phim hoặc nghe các video trên YouTube để cải thiện kỹ năng nghe của mình. Lưu ý, khi nghe podcast hãy nghe theo giai đoạn ngắn, chẳng hạn 10-15 phút mỗi lần, để giữ cho sự tập trung và kiên nhẫn không bị giảm đi.
Và cuối cùng, âm lượng cũng đóng vai trò không thể thiếu trong quá trình nghe. Bạn nên điều chỉnh âm lượng podcast sao cho phù hợp với tai nghe và môi trường luyện tập. Nếu âm lượng quá thấp hoặc quá cao đều sẽ ảnh hưởng đến khả năng lắng nghe và hiểu rõ nội dung của podcast. Mỗi người có cách tiếp nhận âm thanh ở những mức khác nhau.
Ví dụ: có bạn nghe thầy cô giảng với âm lượng to sẽ dễ tiếp thu hơn là âm lượng nhẹ nhàng "thôi miên" nhưng vẫn có bạn cảm thấy thoải mái với âm lượng nhỏ, dịu dàng vì những tiếng ồn lớn khiến bạn mất tập trung.
Tóm lại, mặc dù có những hạn chế, việc luyện nghe bằng podcast vẫn có thể trở nên hiệu quả nếu bạn áp dụng những cách khắc phục phù hợp. Quan trọng nhất là duy trì thái độ tích cực, kiên nhẫn và sẵn sàng học hỏi từ những thách thức mà bạn gặp phải trong quá trình học tập.
Không có phương pháp học tập nào là tối ưu nên việc luyện nghe bằng podcast chỉ theo trend mà không tìm hiểu điểm mạnh/điểm yếu cũng như việc luyện nghe này phù hợp nhất với đối tượng nào có thể dẫn đến sự thất vọng về bản thân và nghi ngờ không đáng có cho những người giới thiệu phương pháp này đến bạn. Hãy là một người học thông thái - biết mình ở đâu để lựa chọn được phương pháp học tối ưu.
Những bài viết cung cấp kiến thức chuyên sâu, giúp bạn vững vàng hơn và đạt được kết quả tốt