Bạn đã hiểu đúng “When the student is ready, the teacher will appear” hay chưa?

Nguyên Cao
December 20, 2023
Theo dõi chúng mình tại:

Bạn có cảm thấy chùn bước hoặc chán nản khi gặp khó khăn mà không có ai “đưa đường chỉ lối"? 

Người ta thường nói rằng “khi học trò sẵn sàng, người thầy sẽ xuất hiện” và câu nói này rất nhiều người đã từng nghe nhưng ý nghĩa của nó thường bị hiểu sai. Bài viết này Enghance sẽ chủ yếu bàn về tư duy tiếp thu, cũng như cách chúng ta “thực sự” sẵn sàng để đón nhận “người thầy” phù hợp xuất hiện giúp chúng ta khám phá được tiềm năng của mình.

“Người thầy” luôn hiện diện nhưng chưa xuất hiện 

Khi nói đến sự phát triển cá nhân, chúng ta thường dựa vào người thầy để được hướng dẫn và chúng ta sẽ luôn mặc định rằng đó chính là người mà chúng ta luôn gặp ở trường lớp hay các khoá học ngắn hạn thậm chí trên mạng xã hội. Nhưng người thầy ở đây không phải lúc nào cũng mang danh “giảng viên”, “giáo viên”. Họ có thể là người lớn hơn bạn, người có nhiều kinh nghiệm hay đôi khi “người thầy” này có thể là một quyển sách, lời nói, một sự kiện nào đó xảy ra trong đời bạn. Họ truyền lại cho bạn những bài học có giá trị giúp bạn đạt được mục tiêu nào đó. 

Học trò ở đây được nói đến là những người tiếp nhận kiến thức, luôn ở trong chế độ chủ động học tập - “tò mò về giọt nước, di chuyển cùng với nó, nhưng vẫn hướng dẫn nó đi đúng hướng”. Nói một cách đơn giản hơn, chúng ta chỉ có thể học những bài học mà chúng ta cởi mở và sẵn sàng học hỏi. Dù trong hoàn cảnh, môi trường nào thì cũng có thể gặp “người thầy" của mình và nghe được những lời giảng, những bài học sâu sắc.

Thế nhưng câu nói này không phải là về “người thầy" mà nó đề cập đến mức độ học sinh đã sẵn sàng và có động lực học hỏi.

Bạn có thực sự mang tâm thế là một “học sinh”

Câu hỏi đặt ra ở đây: trong hoàn cảnh nào học sinh nhận ra mình là “học sinh”? Không phải người học trò nào cũng “sẵn sàng” trong tâm thế của một người học, hay nói cách khác “chủ động” học hỏi, biết mục tiêu của mình là gì và đủ khả năng hiểu mọi lớp lang tại thời điểm họ tiếp nhận kiến thức.

Ví dụ: bạn đến trường để đi học môn Toán, môn Văn, nhưng đi học với cảm giác mình “phải” học vì ba mẹ, thầy cô bắt, hơn là mình “nên” học thì việc đi học sẽ trở thành gánh nặng và bạn không muốn tiếp tục nó.

Điều này có thể bắt nguồn từ việc cuộc sống của bạn chưa có những tác nhân khách quan thúc đẩy nhu cầu học tập thực sự bên trong bạn. Ngoài ra, bạn chưa xác định được mục tiêu của mình? Bạn muốn học cái gì? Bạn muốn tập trung ở mảng nào? Bạn cần phải tìm được ai để có thể dạy cho bạn những điều đó? Việc xác định nguyên nhân và mục đích ban đầu của việc học rất quan trọng vì nó giúp bản thân chúng ta định hướng được ý định, hành động và thói quen. 

Một trong những dấu hiệu chứng tỏ bạn chưa “sẵn sàng” cho việc học đó chính là cái tôi cá nhân. Với nhiều người, thậm chí việc hạ cái tôi xuống là điều cuối cùng họ sẽ làm trong đời. Trong khi đó, việc học thường không diễn ra cho đến khi bản thân đủ tin tưởng để tiếp nhận ý kiến mới, tiếp thu kiến thức từ người khác. Khi bạn tiếp thu thì người khác mới hết mình truyền đạt kiến thức và truyền đạt một cách hiệu quả nhất.

Khi không sẵn sàng để đón nhận lời khuyên của người khác thì rất khó để người khác có thể dạy lại cho bạn, kể cả khi họ là một người cực kỳ giỏi, một lời nói được vạn người nghe.

Ví dụ: Nhiều học sinh có khuynh hướng thụ động, giấu đi lỗ hổng kiến thức vì “cái tôi” không cho phép bản thân sai. Một số khác tự tin nêu quan điểm dù có thể sai và coi việc trả lời sai chỉ đơn giản là cơ hội để tìm ra câu trả lời đúng (Gong, Wang, Huang, & Cheung , 2017). 

Tại sao “sẵn sàng" sẽ giúp bạn tìm được “người thầy” tốt?

Để tạo điều kiện tốt nhất cho việc tiếp thu kiến thức mới:

  • Đầu tiên, họ phải tin rằng học điều này sẽ giúp ích cho họ.
  • Thứ hai họ phải cảm thấy cần phải học điều này.
  • Cuối cùng, họ phải cảm thấy sẵn sàng cho việc học nói chung (Noe, 2009). 

Sẵn sàng trong học tập thường được hiểu là có động lực học hỏi và sẵn sàng để được đào tạo (Cannon-Bowers, Salas, Tannenbaum, & Mathieu, 1995; Carlson, Bozeman, Kacmar, & McMahan, 2000; Noe, 1986; Robertson & Downs, 1979). Nhìn chung, một người chủ động học tập là người nhận thức được rằng họ cần phát triển và có động lực để nỗ lực học hỏi. Động lực học tập là sự kết hợp của các động cơ bên trong và bên ngoài tạo ra mục đích cho các kỹ năng hoặc kiến ​​thức mới, thúc đẩy một người kiên trì trong quá trình học tập (Knowles, 1979; Merriam, 2001). 

Ví dụ: công việc tốt hơn hoặc lương cao hơn ở bên ngoài, và mong muốn đạt được sự hài lòng hơn trong công việc hoặc chất lượng cuộc sống bên trong. 

Việc duy trì “chế độ sẵn sàng học tập” sẽ giúp chúng ta luôn tò mò, dễ dạy và sẵn sàng học hỏi nhiều hơn nữa. Nó giúp duy trì trạng thái khiêm tốn và dễ tiếp thu để chúng ta thực sự không bao giờ ngừng học hỏi. Tạo ra môi trường trong đó bản thân chúng ta có thể phát triển và tiếp tục phát triển. 

Bên cạnh đó, khi chúng ta đã xác định đích đến, điều chỉnh nhận thức và chuẩn bị tâm thế chủ động của mình thì đó chính là lúc bản thân của bạn đã “sẵn sàng" học tập, tiếp nhận sự mới mẻ, sôi động của những bài học. Chính lúc này, bạn đang mang tâm thế của một học sinh đã sẵn sàng và từ đó chúng ta sẽ dễ dàng nhận ra được những “người thầy" vĩ đại dẫn dắt mình.

Thái độ quyết định sự xuất hiện của “người thầy"

Yếu tố quan trọng của sự xuất hiện của người thầy là thời gian và sự trân trọng. Chỉ khi họ thấy có người thực sự muốn học và tôn trọng họ thì họ sẽ xuất hiện. Có rất nhiều người cứ nghĩ bản thân đã “sẵn sàng" cho việc học nên khi “người thầy” xuất hiện và cho họ những lời góp ý thì họ lại tìm mọi lý do để bác bỏ, bao biện là nó không phù hợp. 

“Người thầy” của bạn cũng phải hy sinh thời gian của mình cho bạn. Thậm chí là để chia sẻ kiến thức cho bạn họ đã phải trải qua rất nhiều khó khăn tích luỹ, chiêm nghiệm và cởi mở để truyền đạt lại bài học cho người khác. Ngay cả khi lời khuyên của họ không áp dụng được ngay cho trường hợp của bạn thì cũng hãy nói lời cảm ơn vì ít nhất bạn biết có một hoàn cảnh và một lựa chọn như thế tồn tại trên đời.

Hy vọng qua bài viết này, các bạn hiểu hơn về vấn đề học hỏi và tiếp thu kiến thức.

Tất cả chúng ta, ai cũng từng là học trò và sẽ luôn là học trò.

Nếu đã đọc và tham khảo khá nhiều nguồn tài liệu, thông tin nhưng vẫn chưa giải đáp được vấn đề của mình, thì hãy thử trả lời những câu hỏi bên dưới để đánh giá lại tình hình nhé:

  1. Bạn đã hiểu rõ bản thân mình? Về nguyên nhân và mục đích thực sự của bạn dành cho việc học?
  2. Bạn đã đi đúng hướng để tìm “người thầy” của mình?
  3. Bạn có sẵn sàng hạ cái tôi để đón nhận kiến thức mới từ người khác? 
  4. Bạn có trân trọng, biết ơn tâm huyết và thời gian của người chia sẻ kiến thức cho bạn?

Reference

  1. https://vietcetera.com/vn/khi-hoc-tro-san-sang-nguoi-thay-se-xuat-hien
  2. WHEN THE STUDENT IS READY, THE TEACHER WILL APPEAR: THE IMPACT OF CHANGE ON READINESS TO LEARN by JAMES L. UTLEY II, Bachelor of Science in Mechanical Engineering Oklahoma Christian University of Sciences & Arts Oklahoma City, OK 1994, Master of Science in Management & Administrative Sciences The University of Texas at Dallas Dallas, TX 1999 

Đăng ký để mở khóa premium content

Những bài viết cung cấp kiến thức chuyên sâu, giúp bạn vững vàng hơn và đạt được kết quả tốt

Coming soon
No items found.
Coming soon
No items found.
Coming soon
No items found.