Điều gì làm nên một lộ trình tự học hiệu quả

Nguyên Cao
December 20, 2023
Theo dõi chúng mình tại:

Với sự phát triển của văn hóa chia sẻ đóng góp tri thức và khả năng tiếp cận tri thức nhanh chóng như hiện nay, thật không khó để bạn vạch ra một kế hoạch để bản thân tự học tiếng Anh thay vì phải đầu tư vào một trung tâm nào đó. Thế nhưng nguồn tài nguyên trong tay thì bạn cần làm gì để có thể phát huy hết tác dụng?

Mục tiêu rõ ràng

Để có một lộ trình học tập hiệu quả thì việc đặt mục tiêu là bước đầu tiên trong quá trình học.

Việc đặt mục tiêu học tập rõ ràng giúp bạn tập trung và định hướng vào những việc quan trọng nhất. Khi đặt ra mục tiêu, bạn sẽ phải lập kế hoạch để đạt được mục tiêu đó. Quá trình này giúp bạn phát triển kỹ năng lập kế hoạch, đồng thời quản lý thời gian và dễ dàng tìm kiếm tài liệu phù hợp một cách hiệu quả. Và bạn hoàn toàn nâng cao kỹ năng tự đánh giá bản thân đã hoàn thành được những gì, điều gì còn cần cải thiện và đặt ra những mục tiêu học tập mới phù hợp hơn.

Chia nhỏ mục tiêu dài hạn thành các mục tiêu ngắn hạn là một trong những phương pháp quan trọng. Mục tiêu dài hạn thường rất lớn và khó đạt được ngay lập tức, đó có thể làm cho bạn cảm thấy mất động lực. Tuy nhiên, việc chia nhỏ mục tiêu dài hạn thành các mục tiêu ngắn hạn giúp tập trung vào một mục tiêu nhỏ hơn và đạt được nó một cách dễ dàng. Điều này giúp bạn duy trì động lực và tiếp tục tiến đến mục tiêu cuối cùng, dễ dàng đo lường tiến độ của mình giúp bạn biết rõ hơn về những gì bạn đã đạt được và điều chỉnh lộ trình sao cho phù hợp, xác định những gì cần làm trong thời gian ngắn hạn và sắp xếp thời gian của mình để đạt được mục tiêu cuối cùng. 

Mục tiêu phải có tính thiết thực

Việc đặt mục tiêu trong học tập phải đảm bảo được tính khả thi, không nên đặt ra các mục tiêu quá cao hoặc không thực tế. Mục tiêu của bạn nên là một thử thách nhẹ nhàng nhưng vẫn phải đủ khó để đem lại động lực và cảm giác hứng thú để hoàn thành nó.

Nếu bạn đặt mục tiêu học tập quá dễ, bạn có thể sẽ không cảm thấy động lực và thử thách để hoàn thành nó dẫn đến sự thiếu hứng thú và sự lơ là trong việc học tập. Bạn cũng có thể không phát triển được kỹ năng và năng lực của mình, và không cải thiện được trình độ học tập.

Ngược lại, nếu bạn đặt mục tiêu quá khó thì sẽ bị áp lực vì không thể đạt được mục tiêu của mình dẫn đến sự nản lòng, bất mãn và bỏ cuộc, mất tự tin và không cảm thấy có khả năng để đạt được mục tiêu của mình. Điều này có thể gây ra căng thẳng, lo lắng và stress trong việc học tập.

Bạn cần đặt mục tiêu phù hợp với khả năng và trình độ của mình. 

Để mục tiêu học tập mang tính thiết thực, bạn cần chú ý đến những yếu tố sau:

  • Rõ ràng: Mục tiêu của bạn cần phải được đặt một cách rõ ràng và cụ thể. Bạn cần phải biết chính xác mục tiêu mà mình muốn đạt được để có thể tập trung hướng tới nó.
  • Đo lường được: Mục tiêu của bạn cần phải được đo lường được để bạn có thể đánh giá tiến độ và đánh giá kết quả. 

Ví dụ mục tiêu học tập đạt điểm 5.0 cho bài thì writing là một mục tiêu đo lường được.

  • Khả thi: Mục tiêu của bạn cần phải khả thi với năng lực, trình độ, thời gian và tài nguyên của bạn. Bạn cần đặt ra một mục tiêu có thể đạt được để tránh mất động lực và sự nản lòng.
  • Có ý nghĩa: Mục tiêu của bạn cần phải mang ý nghĩa và có giá trị thiết thực với cuộc sống của bạn. Bạn cần phải hiểu rõ tại sao mục tiêu của mình là quan trọng và có lợi ích như thế nào.
  • Thời hạn: Mục tiêu của bạn cần phải có thời hạn cụ thể để bạn có thể theo dõi và đánh giá tiến độ. Thời hạn càng cụ thể thì sẽ giúp bạn tập trung và làm việc hiệu quả hơn.

Nguồn tài liệu chất lượng

Sau khi đã xác định được mục tiêu học tập của bản thân thì việc tìm kiếm nguồn tài nguyên sẽ dễ dàng hơn. Việc tìm kiếm và sử dụng nguồn tài liệu chất lượng đảm bảo bạn đang học những kiến thức và kỹ năng là đúng, đầy đủ và chính xác. Bạn sẽ tiết kiệm được thời gian và nỗ lực trong việc tìm kiếm thông tin, thay vì phải tìm kiếm qua nhiều nguồn khác nhau thì bạn có thể tập trung vào một nguồn tài liệu chất lượng để học tập. Ngoài ra, việc này còn giúp bạn hiểu sâu hơn về lĩnh vực của mình và có thể áp dụng kiến thức đó vào các tình huống thực tế.

Nên tránh tài liệu không rõ nguồn gốc hay tài liệu quá cũ không còn phù hợp với thực tiễn hiện tại vì chúng có thể không đúng với những kiến thức mới nhất. Khi tìm kiếm tài liệu nên có tư duy phản biện và có sự chọn lọc, so sánh giữa các nguồn tài liệu khác nhau vì chúng có thể chứa thông tin sai lệch hoặc thiên vị dẫn đến việc học tập sai lầm hoặc nhận thông tin không chính xác, đặc biệt trong thời đại internet phát triển như hiện nay. Nên tìm những nguồn chính thống, thuộc các đại học lớn, các chuyên gia hoặc người nói/viết có uy tín trong lĩnh vực giảng dạy tiếng Anh hoặc ngôn ngữ Anh. 

Ngoài ra, bạn nên tránh các nguồn tài liệu không phù hợp với trình độ của bạn hoặc không liên quan đến chủ đề mà bạn đang học vì chúng sẽ làm mất thời gian và không đóng góp gì cho việc học tập. Không chỉ vậy, bạn nên tìm nguồn tài liệu có thể cung cấp phản hồi hoặc trợ giúp khi bạn gặp khó khăn trong việc hiểu hoặc áp dụng kiến thức đó.

Nếu bạn không thể tự phân loại tài liệu, bạn nên tìm cho mình một người cố vấn để hỗ trợ bạn cách tìm và phân loại tài liệu.

Lịch học cụ thể

Lên lịch học cụ thể giúp bạn biết cách quản lý thời gian, tăng khả năng tập trung, việc học sẽ trở nên có trật tự. Bên cạnh đó, bạn có thể tự điều chỉnh lịch học sao cho phù hợp từ đó tăng năng suất học tập hiệu quả.

Đầu tiên, xác định thời gian học phù hợp với lịch trình của mình, nên chọn những thời gian mà bạn có thể tập trung và không bị gián đoạn bởi các công việc khác. Lịch học cũng phải dựa trên mục tiêu học tập dài hạn, tốt nhất nên chia nhỏ các mục tiêu và lên lịch học cụ thể cho từng mục tiêu đó. 

Ngoài ra, hãy xác định độ ưu tiên của nội dung học tập để có thể lên lịch sao cho tối ưu nhất vì nó giúp bạn tập trung vào nội dung nhất định. Không chỉ vậy, lịch học cũng nên có sự linh hoạt để có thể thích nghi với các tình huống bất ngờ, như các công việc khẩn cấp hoặc những sự kiện không lường trước. Tuỳ vào phương pháp học tập của bản thân mà lên lịch sao cho phù hợp.

Ví dụ: nếu bạn thích học bằng video, hãy tìm kiếm các video học tập và lên lịch xem chúng vào các thời điểm phù hợp với mình.

Kiểm soát tiến độ học tập và đảm bảo rằng bạn đang đạt được các mục tiêu đã đặt ra. Bởi vì nếu cảm thấy chưa đạt được mục tiêu thì cần phải điều chỉnh lại. Và điều quan trọng cuối cùng là lên lịch học nhưng vẫn có đủ thời gian nghỉ ngơi và tái tạo năng lượng.

Hiện nay, có rất nhiều công cụ hữu ích có thể hỗ trợ bạn trong việc lên lịch học. Các công cụ này sẽ giúp bạn quản lý thời gian và lên kế hoạch cụ thể cho các nhiệm vụ quan trọng trong quá trình học tập.

  • Focus@Will: Focus@Will là một dịch vụ nhạc cho phép bạn tập trung hơn khi học tập và làm việc. Nó cung cấp các bản nhạc được tối ưu hóa để giúp giảm stress và tăng khả năng tập trung.
  • RescueTime: RescueTime là một ứng dụng để theo dõi thời gian sử dụng máy tính và điện thoại, giúp bạn nhận biết thói quen sử dụng và quản lý thời gian hiệu quả hơn.
  • Evernote: Đây là một công cụ ghi chú và lưu trữ nhiều thông tin khác nhau. Evernote cho phép bạn tạo ghi chú, lưu trữ tài liệu và tổ chức thông tin của bạn một cách hiệu quả. Bạn có thể sử dụng Evernote để lên kế hoạch và theo dõi các nhiệm vụ của mình, lưu trữ tài liệu và ghi chú ý tưởng.

Ngoài ra, bạn còn có thể sử dụng các công cụ quen thuộc như Google Calendar, Trello hoặc Todoist để lên kế hoạch và theo dõi các nhiệm vụ học tập trong suốt tuần. Và hãy đảm bảo rằng bạn sử dụng thời gian trống trong ngày để ôn tập, tổ chức và chuẩn bị cho các bài kiểm tra hoặc bài tập về nhà.

Tự đánh giá chất lượng học tập

Tự đánh giá bản thân trong quá trình học giúp nhận biết được những điểm mạnh và điểm yếu của bản thân trong quá trình học tập, từ đó cải thiện kỹ năng và khả năng của mình. Định hướng lại mục tiêu học tập và phương pháp học tập hiệu quả hơn, dựa trên kết quả đánh giá của bản thân. Tự động lọc và loại bỏ những thói quen học tập không tốt như trì hoãn, không tập trung hoặc không quản lý thời gian tốt. Tránh bị sốt ruột và giảm bớt áp lực học tập và biết rõ bản thân đang ở đâu và còn thiếu gì để đạt được mục tiêu. Phát triển khả năng tự chủ và tự điều chỉnh trong học tập, đó là kỹ năng rất quan trọng để làm chủ khả năng tự học.

Ví dụ: tự phát hiện lỗ hổng kiến thức để củng cố hoặc lên kế hoạch học thêm để lấp lỗ hổng đó.

Để tự đánh giá bản thân trong quá trình học, bạn có thể sử dụng các biện pháp:

  • Định kỳ xem lại các bài kiểm tra, bài tập về nhà và đánh giá bằng cách tự đặt câu hỏi về mức độ hiểu biết của bản thân về chủ đề đó. Các câu hỏi có thể bao gồm: Tôi hiểu chủ đề này như thế nào? Tôi đã giải quyết được những khó khăn nào trong quá trình học tập? Tôi cần cải thiện điều gì để đạt được kết quả tốt hơn?
  • Tham gia các nhóm học tập hoặc tìm kiếm các đối tác học tập để thảo luận và phản hồi về tiến trình học tập. Từ đó, bạn có thể biết được mình đang tiến triển đến đâu so với các bạn cùng lớp sau đó tìm các giải pháp hoặc phương pháp học tập hiệu quả hơn.
  • Lưu lại các bài kiểm tra, bài tập hoặc các mẫu giải thích từ giảng viên. Bạn có thể sử dụng các tài liệu này như một công cụ đánh giá bản thân để xem lại những điểm mạnh và yếu của mình và đưa ra kế hoạch cải thiện.
  • Tìm kiếm phản hồi từ giảng viên hoặc người hướng dẫn để biết thêm về mức độ tiến bộ của mình và cách cải thiện.
Việc đánh giá bản thân trong quá trình học tập là một công việc liên tục và cần được thực hiện thường xuyên, để đảm bảo rằng bạn đang đi đúng hướng và đạt được những mục tiêu mong muốn.

Tinh thần trách nhiệm

Cả một quá trình học có thể “đổ sông đổ biển" nếu như thiếu đi tinh thần trách nhiệm. Đây cũng là một trong những thử thách khó nhất vì nó liên quan đến động lực nội tại của bản thân. Tinh thần trách nhiệm yêu cầu sự cam kết và tự chủ động cao. Người học cần chịu trách nhiệm về việc học, tự tìm kiếm các nguồn tài liệu hỗ trợ cho việc tiếp thu kiến thức và phải đảm bảo hoàn thành các nhiệm vụ một cách nghiêm túc, đúng thời hạn, 

Tinh thần trách nhiệm giúp bạn trở nên độc lập, tự tin hơn

Tuy nhiên, trong quá trình học, có nhiều yếu tố có thể gây ra trở ngại cho tinh thần của người học như sự chán nản, stress, rào cản tâm lý cá nhân hay áp lực từ môi trường xung quanh. Bởi vì khi không có ai theo dõi, bạn sẽ rất dễ nản lòng mà bỏ đi chơi một chút, cà phê một tí, lướt mạng xã hội một tẹo và rồi… hết giờ.

Vì vậy, người học cần phải giữ được tinh thần kiên trì, cố gắng tập trung vào mục tiêu của mình và phải đối mặt với những khó khăn bằng sự nỗ lực và quyết tâm. Ngoài ra, cũng cần có sự hỗ trợ từ gia đình, bạn bè và giáo viên hay người hướng dẫn để có thể vượt qua những khó khăn trong quá trình học tập.

Ví dụ: tự vạch ra deadline cho bản thân, nếu cảm thấy mình không tuân thủ deadline tốt thì hãy chia sẻ mục tiêu của bạn với người khác nhằm tạo áp lực cho bản thân.

Tự chiêm nghiệm

Và cuối cùng, người học nên tự đánh giá lại lộ trình tự học của bản thân. Xem lại kế hoạch học tập đảm bảo rằng nó vẫn còn phù hợp với tình hình hiện tại. 

Để có khả năng tự đánh giá bản thân trong học tập, người học cần phải có sự trung thực và khách quan trong đánh giá bản thân. Họ cần phải tự đặt ra các tiêu chí đánh giá cụ thể và thường xuyên đánh giá bản thân dựa trên các tiêu chí đó. Việc xem xét lại quá trình học tập, nhận xét đúng sai của bản thân cũng là một bước quan trọng giúp người học cải thiện và hoàn thiện hơn.

Khi tự đánh giá nên đặt ra các câu hỏi như bản thân đã học được gì? tiến bộ ra sao? kế hoạch có đang đi đúng hướng hay đúng mục tiêu đã đề ra hay chưa từ đó đánh giá được kế hoạch có đang hiệu quả hay không. Trong quá trình tự chiêm nghiệm người học cần có thái độ mở, chủ động và đánh giá bản thân một cách khách quan.

Đây là bước quan trọng nhất vì bạn không thể mãi theo một kế hoạch mà không mang lại kết quả đúng không?

Thời gian để đánh giá lại kế hoạch học tập phụ thuộc vào từng trường hợp cụ thể và mục đích học tập của mỗi người. Nhìn chung, người học nên đánh giá lại kế hoạch học tập của mình thường xuyên, tối thiểu là mỗi kỳ học (khoảng 3-4 tháng) hoặc mỗi năm một lần.

Tùy vấn đề bạn gặp phải mà điều chỉnh kế hoạch phù hợp.

Ví dụ: nếu mục tiêu làm bạn stress => sửa từ mục tiêu, nếu nguồn học sai kiến thức => đổi nguồn, nếu lịch học quá khó theo => giãn thời gian ra một tí,

Hãy chuẩn bị tinh thần rằng không có một kế hoạch tự học nào “hoàn hảo”, bạn phải liên tục đánh giá và điều chỉnh để kế hoạch đó phù hợp với bạn trong những giai đoạn khác nhau của cuộc sống, với những ưu tiên, nhu cầu, lịch trình sinh hoạt khác nhau.

Đăng ký để mở khóa premium content

Những bài viết cung cấp kiến thức chuyên sâu, giúp bạn vững vàng hơn và đạt được kết quả tốt

Coming soon
No items found.
Coming soon
No items found.
Coming soon
No items found.