“Học IELTS” và “Học tiếng Anh” là hai khái niệm tưởng chừng như là một nhưng lại rất khác nhau về mặt bản chất. Vậy sự khác biệt giữa hai khái niệm này là gì? Hãy cùng tìm hiểu.
Trước khi thảo luận, xin nói rõ là Enghance ủng hộ chứng chỉ IELTS, một trong nhiều cách để chứng minh năng lực tiếng Anh hiện tại. Nhưng Enghance mong muốn mọi người hiểu rằng nó không phải là đỉnh cao hay con đường duy nhất như nhiều người học hay phụ huynh (người chi tiền học) lầm tưởng.
The International English Language Testing System hay còn được gọi là IELTS, là một kì thi nằm trong khuôn khổ quốc tế nhắm vào những đối tượng học tiếng Anh không phải là người bản ngữ. Để sở hữu chứng chỉ IELTS người học cần trải qua kì thi gồm 4 kỹ năng Reading, Listening, Writing và Speaking. IELTS đòi hỏi bạn cần sử dụng vốn từ vựng đa dạng, phong phú và mang tính học thuật nhiều hơn là những từ vựng cơ bản.
Tuy nhiên, khái niệm về việc “học IELTS" đang bị đánh giá quá cao ở nhiều cấp độ trong xã hội Việt Nam hiện tại do quy định tuyển sinh của nhiều trường đại học, bên cạnh đó do truyền thông dẫn dắt dẫn đến việc học sinh, phụ huynh chưa thực sự hiểu hết về kỳ thi này. Điều này đã trở thành thước đo để đánh giá năng lực của nhau qua tấm bằng IELTS.
Việc “học IELTS” hiện nay chỉ gói gọn trong chiến lược làm bài hay nội dung kiến thức đi thi. Người học dành quá nhiều thời gian và công sức học 'mẹo' để đạt điểm IELTS mong muốn mà quên đi việc phát triển những kiến thức và năng lực học thuật cần thiết.
“Học tiếng Anh” là một khái niệm đã có từ khá lâu nhưng lại bị hiểu sai về ý nghĩa cũng như cơ chế của nó. “Học tiếng Anh” không đồng nghĩa với việc “học IELTS”
Tiếng Anh là một ngôn ngữ, việc học tiếng Anh là một quá trình liên tục từ việc tiếp thu kiến thức mới, rèn luyện liên tục đến vận dụng hằng ngày để trở nên thành thạo hay nói cách khác là bạn có thể sử dụng tiếng Anh một cách thật tự nhiên như hơi thở hằng ngày.
Người “học tiếng Anh” là những người sử dụng tiếng anh để giao tiếp hằng ngày, trau dồi và tiếp thu thêm nhiều kiến thức mới. Hiểu thêm về những nét văn hóa của người dân các nước từ đó sẽ phần nào giúp bạn thay đổi tư duy và hội nhập tốt hơn trong bối cảnh hiện tại.
Theo nghiên cứu vào năm 1993 của hai tác giả J. Charles Alderson và Dianne Wall - giáo sư tại khoa Ngôn ngữ học và Ngôn ngữ tiếng Anh của Đại học Lancaster (Anh), đăng trên chuyên san Applied Linguistics, về "tác động dội ngược". Theo đó, tác động dội ngược là ảnh hưởng của bài thi lên học liệu, hoạt động giảng dạy và học tập. Nó có thể mang tính tích cực nếu nó khuyến khích và phát triển những cách thực hành tốt trong học tập. Ngược lại, nó cũng có thể gây ra ảnh hưởng tiêu cực nếu nó hạn chế nhận thức của người học, khiến việc học chỉ gói gọn trong chiến lược làm bài hay nội dung kiến thức đi thi.
Việc luyện thi IELTS mà chỉ tập trung vào chiến thuật làm bài như hiện nay được coi là một tác động dội ngược tiêu cực. Thay vì dành tập trung cho những nội dung thực sự cần thiết nhưng có thể không ra trong bài thi, người dạy và người học lại dành thời gian và công sức cho những "mẹo" hay phần kiến thức chắc chắn có trong bài thi.
Một số chuyên gia cũng khuyến cáo việc học IELTS theo "mẹo" có thể khiến bài thi IELTS không phản ánh đúng trình độ tiếng Anh của một người.
Rất nhiều bạn điểm cao IELTS nhưng không có khả năng giao tiếp và làm việc hiệu quả, cả ở môi trường Việt Nam và khi đi du học. Điều này thể hiện rất rõ đối với rất nhiều bạn đi du học, hụt hẫng, lẻ loi và khó hoặc không thể hoà đồng vì lầm tưởng có bằng IELTS là sẽ du học thành công như mong muốn.
Nhà ngôn ngữ học Stephen Krashen đã đưa ra một số khái niệm có tầm ảnh hưởng quan trọng đến việc tiếp thu ngôn ngữ của người học. Trong giả thuyết đầu vào của ông vào năm 1977 và được mở rộng thêm vào những năm sau đó, ông đã phân biệt giữa việc học (quá trình học ngữ pháp truyền thống có ý thức trong các lớp học) và sự tiếp thu (cơ bản là cách chúng ta tiếp thu ngôn ngữ đầu tiên khi còn nhỏ). Ông nói rằng: sai lầm của chúng ta là cố gắng học ngoại ngữ giống như cách chúng ta dạy các môn khoa học, lịch sử và toán học. Thay vào đó, ông tin rằng người học nên tiếp thu ngoại ngữ giống như cách một đứa trẻ bắt đầu học tiếng mẹ đẻ của mình vậy.
Để học ngoại ngữ hiệu quả, ta cần phải hiểu về cách thức mà não bộ con người hấp thụ ngôn ngữ. Ứng dụng những nguyên tắc đúng sẽ giúp người học tiết kiệm rất nhiều thời gian và công sức trong việc học ngoại ngữ, thay vì đi lòng vòng một cách lãng phí.
Bởi vì học tiếng Anh là cả một quá trình tiếp diễn lâu dài vừa mất nhiều thời gian và tâm huyết nên việc duy trì nó là một điều rất khó khăn và nhiều thử thách.
Đã đến lúc các bạn nhận thức được là “học IELTS” chỉ là phương tiện để giúp các bạn đạt được mục tiêu cụ thể (du học, có công việc yêu cầu) chứ không phải là đích đến khi học tiếng Anh. Nếu bạn cần IELTS để phục vụ cho việc học tập hay làm việc thì tất nhiên bạn cần “học IELTS”. Nhưng bạn cần nhớ là ngoại ngữ không chỉ là điểm số - bạn cần bổ sung kiến thức về văn hóa, con người của các quốc gia nói tiếng Anh và sử dụng tiếng Anh trong cuộc sống hằng ngày để tấm bằng của bạn thực sự có giá trị.
https://thanhnien.vn/hoc-tieng-anh-khong-dong-nghia-voi-viec-hoc-thi-ielts-post994188.html
https://zingnews.vn/nhung-nguoi-hoi-han-vi-hoc-thi-ielts-post1356456.html
https://simpleenglish.com.vn/ly-thuyet-thu-dac-ngon-ngu-stephen-krashen/
Những bài viết cung cấp kiến thức chuyên sâu, giúp bạn vững vàng hơn và đạt được kết quả tốt