Khi học không vào, hãy đi ngủ

Nguyên Cao
December 20, 2023
Theo dõi chúng mình tại:

Bộ não học dựa trên 2 cơ chế học tập: chế độ tập trung và chế độ phân tán. Người học nên sử dụng chế độ tập trung khi muốn tìm lời giải cho vấn đề, và dùng chế độ phân tán khi thấy vấn đề trước mắt đang nằm ngoài tầm hiểu biết hiện tại của mình.

Một điều đáng lưu ý là người học không nên ưu tiên chế độ nào hơn mà cần vận dụng luân phiên giữa 2 chế độ trên để đạt hiệu quả tối ưu trong việc học. Theo cách học truyền thống, người học thường được khuyên nên học cật lực mà không nhận thức được rằng nghỉ ngơi đúng cách cũng là một trạng thái học. Do đó, sau khi đã nắm được cách làm việc của não bộ, người học cần bắt đầu thiết kế các quãng nghỉ sao cho có thể tận dụng tối đa cơ chế này.

Tại sao chúng ta học không vào?

Có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến việc học tập của chúng ta, và một số lý do tại sao chúng ta có thể gặp khó khăn trong việc học tập bao gồm:

  • Thiếu động lực, thiếu kiên trì, thấy khó là nản, không chịu tự tìm tòi hoặc mục tiêu không rõ ràng khiến bạn cảm thấy mệt mỏi hoặc không thấy hứng thú với những gì bạn đang học.
  • Cảm thấy bị áp lực: Khi quá nhiều để học tập và phải đạt được điểm số cao, bạn có thể trở nên căng thẳng và lo lắng, và điều này có thể ảnh hưởng đến khả năng học tập của bạn.
  • Thiếu kỹ năng học tập: Phương pháp học tập không hiệu quả, không phù hợp hoặc không có các kỹ năng học tập cần thiết, bạn có thể cảm thấy mất thời gian và không tiến bộ trong việc học tập.

Ví dụ:

  • Môi trường học tập không tốt: Môi trường học tập có thể ảnh hưởng đến khả năng tập trung và học tập của bạn. Nếu bạn học trong một môi trường ồn ào hoặc bừa bộn, bạn có thể không thể tập trung được vào những gì đang học, dễ bị xao nhãng và dễ bị buồn ngủ.
  • Vấn đề sức khỏe: Không có sức khỏe tốt dẫn đến việc bạn có thể không có đủ năng lượng để tập trung và học tập. Nếu bạn cảm thấy mệt mỏi hoặc bị ốm, bạn có thể không có tinh thần để học tập. Cảm giác quá tải, không thể nhồi nhét thêm thông tin vào đầu nữa.

Khi thiếu tập trung và quá tải, chúng ta nên … đi ngủ, hay nói cách khác là cho não bộ nghỉ ngơi.

Tại sao chúng ta cần các khoảng nghỉ trong quá trình học?

Nhiều người lầm tưởng rằng đã đi học là phải tập trung cao độ mà không biết rằng các việc nghỉ ngơi thư giãn cũng quan trọng không kém. 

Một điều đáng lưu ý ở đây là kể cả khi con người ở trong trạng thái nghỉ ngơi thì não bộ vẫn tiếp tục làm việc. 

Việc luôn dồn sự tập trung cao độ có thể dẫn tới chế độ “bão hoà” kiến thức hay hiệu ứng Einstellung (trạng thái bị kẹt mãi ở một vấn đề do những kiến thức hay thành kiến có từ trước). Chế độ bão hoà trong học tập là tình trạng mà một người học không còn động lực hoặc sự quan tâm để tiếp tục học tập và phát triển kỹ năng. Người học có thể trải qua cảm giác buồn chán, mất tập trung, hoặc thiếu sự hứng thú trong học tập. Điều này có thể dẫn đến sự suy giảm kết quả học tập và cảm giác thất vọng về bản thân.

Ví dụ: học sáng chiều tối, học dồn, học không có thời gian biểu phù hợp,... 

Khi chúng ta tập trung vào việc học tập trong một thời gian dài, não bộ sẽ tiêu tốn rất nhiều năng lượng và trở nên mệt mỏi. Và nếu tiếp tục học mà không có khoảng nghỉ, hiệu suất học tập sẽ giảm và khả năng tập trung cũng sẽ giảm theo. 

Theo nghiên cứu năm 2019 của 2 vị giáo sư Học viện Công nghệ Massachusetts, khi ta tiếp nhận thông tin mới, hầu hết kiến thức sẽ tạm thời được cất giữ trong hồi hải mã - bộ phận nằm ở thuỳ thái dương trong của não. Nhưng khả năng của nó bị hạn chế. Điều đó có nghĩa là, chúng ta không thể tiếp nhận thêm thông tin nếu không đủ chỗ trống trong hồi hải mã. Tuy nhiên, giấc ngủ giúp não bộ và cơ thể được phục hồi, đồng thời các quá trình thần kinh cũng được điều chỉnh và điều hòa giúp giảm căng thẳng tránh được trạng thái “bão hòa” trong học tập, tái tạo năng lượng để tiếp tục tập trung giúp học tập hiệu quả hơn

Trong một nghiên cứu, 44 tình nguyện viên đã tham gia vào 2 lớp học tăng cường, lần lượt vào 12h trưa và 6h chiều. Một nửa số người tham gia được phép ngủ 1 giấc trước khi vào học buổi tối, nửa còn lại thì tiếp tục sinh hoạt bình thường, không được chợp mắt.

=> Kết quả: nhóm được ngủ có thể tiếp thu thông tin như trong lớp buổi trưa. Trong khi khả năng học tập của nhóm còn lại giảm sút đáng kể.   

Tại sao ngủ đủ lại là “trùm cuối” hỗ trợ việc học?

Một hoạt động hiệu quả giúp kích hoạt “trạng thái phân tán” mà con người vô tình thực hiện đó là ngủ. Giấc ngủ giữ một phần quan trọng trong chất lượng cuộc sống của chúng ta, 1/3 thời gian của cuộc đời, chúng ta chỉ dành để… ngủ.

Giấc ngủ điều chỉnh đồng hồ sinh học của cơ thể, giúp cho não bộ được nghỉ ngơi, loại trừ căng thẳng và mệt mỏi, tăng cường khả năng tập trung, trí nhớ và sự sáng suốt. Một giấc ngủ sâu giúp não bộ hoạt động tốt, chúng sắp xếp lại và tái cấu trúc trí nhớ, gia tăng trí tưởng tượng, sáng tạo. 

Chức năng của trí nhớ được kích thích mạnh khi ngủ nhờ đó thúc đẩy năng lực sáng tạo tích cực của con người. Trong trạng thái ngủ, tiềm thức của bạn vẫn hoạt động và sẽ xử lý thông tin đã được nạp vào trước khi ngủ giúp lưu trữ thông tin mới học được trong bộ nhớ, biến những kiến thức vừa được lưu trong bộ nhớ ngắn hạn sang bộ nhớ dài hạn.

Một điều tuyệt vời mà người học có thể vận dụng để cải thiện khả năng ghi nhớ và hiểu sâu hơn là nghiên cứu bài học ngay trước khi đi ngủ. Rất có thể sau khi tỉnh giấc, người học sẽ có được một cái nhìn sâu sắc hơn về bài học. Để tận dụng trạng thái này, trong quá trình học tiếng Anh, người học có thể học từ vựng mới trước lúc ngủ.

Giấc ngủ đóng vai trò cực kỳ quan trọng và thiết yếu trong việc giúp con người hồi phục sức khoẻ và cân bằng nhịp độ sinh học của cơ thể. Vì vậy, việc sắp xếp thời gian học tập và tạo ra các khoảng nghỉ thích hợp là rất quan trọng để đạt được hiệu quả học tập tối đa. không nên để nước đến chân mới nhảy để tránh tình trạng học dồn, học không có thời gian nghỉ. Ngoài ra, việc tận dụng các khoảng nghỉ để thực hiện các hoạt động thể chất như tập thể dục cũng rất tốt cho sức khỏe và tinh thần của chúng ta. 

Hãy thay đổi quan điểm thức khuya, cày nhiều, hy sinh giấc ngủ và sức khỏe tinh thần cũng như thể chất để học.

Đăng ký để mở khóa premium content

Những bài viết cung cấp kiến thức chuyên sâu, giúp bạn vững vàng hơn và đạt được kết quả tốt

Coming soon
No items found.
Coming soon
No items found.
Coming soon
No items found.