Nhận peer feedback sao mà không “động lòng”?

Nguyên Cao
December 20, 2023
Theo dõi chúng mình tại:

Liên quan đến khái niệm phản hồi ngang hàng hay đánh giá theo cặp peer feedback hay peer evaluation, peer editing, peer response (Keh, 1990), các nhà ngôn ngữ học và các nhà nghiên cứu đã đưa ra nhiều khái niệm khác nhau. Mặc dù có rất nhiều cách diễn đạt nhưng về cơ bản các khái niệm về peer feedback vẫn mang những nét chung về bản chất và chức năng của nó.

Peer feedback là gì?

Khái niệm và mục đích

Theo Liu và Hansen (2002) “peer feedback là cách mọi người chia sẻ thông tin và tương tác với nhau. Mọi người đóng vai trò và thực hiện nghĩa vụ giống giáo viên, người hướng dẫn để đưa ra nhận xét và phân tích, bình luận cho người khác dưới dạng văn bản viết hoặc nói”. 

Peer feedback là quá trình đánh giá và đưa ra ý kiến phản hồi của những người cùng cấp với nhau trong một nhóm, tổ chức hoặc lớp học. Đây là một phương pháp đánh giá đôi bên, trong đó những người cùng cấp đánh giá nhau về các kỹ năng, thành tựu, điểm mạnh và điểm yếu của mình. Peer feedback có thể được sử dụng trong nhiều lĩnh vực như giáo dục, kinh doanh, nghệ thuật và thể thao. Ngoài ra, giúp cho người tham gia có cơ hội học hỏi từ những người có kinh nghiệm.

Mục đích của peer feedback là cung cấp lời nhận xét cụ thể và khách quan về công việc hoặc hành vi của họ giúp xác định các vấn đề cần cải thiện. Bên cạnh đó, việc nhận được những lời phê bình mang tính xây dựng có thể giúp họ trưởng thành và phát triển hơn.

Phản hồi ngang hàng là một công cụ có giá trị cho những cá nhân muốn cải thiện kỹ năng và hiệu suất của họ, đồng thời để xây dựng mối quan hệ và giao tiếp bền chặt hơn trong các nhóm.

Peer feedback trong giáo dục

Hình thức này đang được sử dụng ngày càng phổ biến trong giáo dục, bởi vì nó giúp học sinh trở nên tự chủ hơn và có thể đánh giá và cải thiện bản thân mình thông qua phản hồi từ đồng học của họ.

  • Peer feedback giúp các sinh viên có cơ hội học hỏi từ nhau và cải thiện kỹ năng học tập của mình.
  • Việc tham gia vào quá trình đánh giá và phản hồi giúp sinh viên cải thiện kỹ năng tự quản lý và chịu trách nhiệm cá nhân hơn đối với quá trình học tập của mình.
  • Peer feedback giúp giáo viên có thể đánh giá chất lượng học tập của sinh viên một cách chính xác hơn.
  • Tạo ra một môi trường học tập tích cực và khuyến khích sự hợp tác chia sẻ kinh nghiệm giữa các sinh viên.
  • Việc tham gia vào quá trình peer feedback giúp sinh viên phát triển kỹ năng phản hồi, kỹ năng giao tiếp và kỹ năng lắng nghe.

Peer feedback có ưu điểm gì so với feedback từ giáo viên?

Các nhà ngôn ngữ học thậm chí thậm chí còn nhấn mạnh lợi ích của những phản hồi từ bạn học trên cả những phản hồi từ giáo viên. Theo nhà ngôn ngữ Naumoska, phản hồi từ bạn học được thừa nhận là “thân thiện hơn, mang tính hợp tác hơn, ít gây sự căng thẳng và ức chế hơn và do đó loại trừ được sự lo lắng mà sinh viên thường gặp phải mỗi khi đến giờ học“(2009, p.2). 

Người học sẽ không nhìn nhận đồng học của mình như là những nhà phê bình độc đoán mà thay vào đó họ sẽ cảm nhận được tinh thần hợp tác từ đó giải tỏa khỏi những căng thẳng ức chế giúp người học kích thích và thúc đẩy tinh thần tích cực hơn trong việc phát triển bản thân. Ngoài ra, các đồng học có thể đến từ nhiều ngành nghề và có những kinh nghiệm và quan điểm khác nhau, do đó phản hồi từ họ sẽ mang tính chân thật và nhanh chóng mang lại cái nhìn khác nhau và phong phú hơn so với phản hồi từ giáo viên.

Tuy nhiên, cũng có một số hạn chế của peer feedback. Các đồng học của bạn có thể không có đủ kinh nghiệm hoặc chuyên môn để đưa ra phản hồi chính xác và có giá trị. Điều này có thể ảnh hưởng đến chất lượng của phản hồi mà bạn nhận được. Giáo viên thường có kinh nghiệm và kiến thức sâu rộng hơn trong lĩnh vực học tập, vì vậy họ có thể đưa ra những nhận xét và đánh giá chi tiết, có tính chuyên môn hơn và giúp học sinh hiểu rõ hơn về những điểm mạnh, điểm yếu của mình. Họ cũng có thể đưa ra những phản hồi chi tiết hơn, có cấu trúc và dễ hiểu hơn, giúp học sinh có thể nắm bắt thông tin và cải thiện kết quả học tập của mình một cách rõ ràng và hiệu quả hơn.

Feedback từ bạn học và feedback từ giáo viên đều có giá trị và đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển kỹ năng và nâng cao chất lượng học tập của người học. Tuy nhiên, những ưu điểm và hạn chế của từng loại feedback cũng cần được xem xét để lựa chọn phương pháp phù hợp trong từng trường hợp.

Tâm lý của học viên khi nhận peer feedback

Phản ứng của học viên khi nhận peer feedback có thể khác nhau tùy thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm tính cách, trình độ và mức độ tự tin cũng như khả năng chấp nhận phản hồi của từng người.

  • Tích cực và hào hứng: Một số học viên có thể cảm thấy vui mừng và đánh giá cao khi nhận được peer feedback, bởi vì nó cho thấy họ đã làm tốt và được đánh giá cao bởi bạn đồng học điều này giúp họ tự tin và tiếp tục phát triển. Họ sẵn sàng lắng nghe những góp ý và lời khuyên từ bạn đồng học, và sẵn sàng áp dụng để cải thiện và hoàn thiện kết quả học tập của mình.
  • Thất vọng và tự ti: Nếu nhận được peer feedback tiêu cực hoặc không như mong đợi, một số học viên có thể cảm thấy thất vọng và tự ti về kết quả của mình. Họ có thể cảm thấy bị đánh giá thấp và không tự tin trong khả năng của mình. Từ đó làm giảm khả năng tập trung, khó khăn trong quá trình tiếp thu kiến thức và có thể đánh mất động lực học tập.
  • Bất mãn và phản đối: Một số học viên có thể không đồng ý với peer feedback của bạn đồng học, và cảm thấy bất mãn và phản đối với những gì được đưa ra. Họ có thể cho rằng nhận xét của bạn đồng học không chính xác hoặc không công bằng. Gây ra tình trạng không muốn chấp nhận bất kỳ lời khuyên hay chỉ dẫn nào từ giáo viên và đồng học.
  • Không chú ý: Học viên có thể không chú ý đến phản hồi của đồng học của mình hoặc không đánh giá nó một cách nghiêm túc. Họ có thể coi đó là một phần của quá trình học hỏi nhưng không thực sự quan tâm.

Đẩy lùi cảm giác thất vọng, tự ti hay bất mãn khi nhận peer feedback

Nhận peer feedback có thể là một trải nghiệm khó khăn và có thể gây ra cảm giác thất vọng, tự ti hoặc bất mãn. Để khắc phục được cảm giác cũng như đón nhận những phản hồi một cách tích cực và cởi mở thì học viên cần phải thay đổi về cách nhìn nhận vấn đề và tư duy khách quan.

Học từ những sai lầm 

Khi bạn học từ những sai lầm của mình, não bộ của bạn sẽ tiếp nhận và xử lý thông tin mới một cách chính xác hơn. Điều này giúp cải thiện khả năng học tập của bạn, tránh việc lặp lại chúng trong tương lai. Ngoài ra, còn giúp bạn phân tích những sai lầm của mình, tìm ra nguyên nhân và đưa ra giải pháp để khắc phục chúng. Kỹ năng phân tích này rất hữu ích trong nhiều lĩnh vực trong cuộc sống. Ngoài ra nó còn giúp bạn hiểu rằng sai lầm là một phần của quá trình học tập nói riêng và trưởng thành nói chung bởi vì căn bản ai cũng từng mắc lỗi. 

Nhìn nhận ra những sai lầm của bản thân và khắc phục chúng, bạn sẽ trở nên tự tin hơn trong việc học tập và giải quyết những thách thức khác trong cuộc sống.

Loại bỏ Defense mechanism

Defense mechanism là những cơ chế tâm lý mà con người sử dụng để bảo vệ bản thân khỏi cảm giác đau đớn, bất ổn hoặc áp lực trong cuộc sống, giúp bản thân tránh né những cảm xúc, suy nghĩ, hay tình huống không mong muốn. Defense mechanism là một phản ứng tự động của tâm trí, không phải là một quyết định cố ý. Nó bao gồm phủ nhận, chuyển hướng, phản đối, tách biệt, cô độc, biến hình, biện minh, phân tâm, trì hoãn, tái hiện,... Các defense mechanism được mô tả trong thuyết psychodynamic - một lý thuyết tâm lý học của Sigmund Freud, và sau đó được phát triển và nghiên cứu rộng rãi bởi những nhà tâm lý học khác.

Các defense mechanism có thể được sử dụng để giúp người sử dụng cảm thấy an toàn và giảm bớt căng thẳng tâm lý, nhưng cũng có thể làm hạn chế khả năng thích ứng của họ trong đời sống và gây ra những vấn đề tâm lý khác. Chúng cũng có thể có tác động tiêu cực đến việc học tập.

  • Phủ nhận (denial): người sử dụng từ chối chấp nhận sự thật hoặc thực tế của một tình huống khó khăn. Ví dụ: một sinh viên đang gặp khó khăn trong việc học nghe và né tránh các bài tập luyện nghe thì anh ta sẽ không cải thiện được kỹ năng nghe của mình. 
  • Lệ thuộc (dependency): người sử dụng sẽ tìm kiếm sự hỗ trợ và giúp đỡ từ người khác thay vì tự giải quyết vấn đề. Ví dụ: một sinh viên sử dụng cơ chế này quá mức, anh ta có thể không phát triển được kỹ năng tự giải quyết vấn đề và phụ thuộc vào người khác để giải quyết các vấn đề học tập của mình. 
  • Chuyển hóa (transformation): người sử dụng biến đổi một cảm xúc hoặc suy nghĩ tiêu cực thành một hành động hoặc cảm xúc khác. Ví dụ: một sinh viên có thể cảm thấy lo lắng về một bài kiểm tra sắp tới và sử dụng cơ chế chuyển hóa để biến lo lắng thành suy nghĩ mình đã rớt môn trước khi thực sự kiểm tra. Điều này có thể dẫn đến tư duy tiêu cực và ảnh hưởng đến kết quả học tập.
  • Các defense mechanism khác như phản đối hoặc cô độc,... cũng có thể làm giảm khả năng tập trung, sự tự tin và khả năng giải quyết vấn đề của một sinh viên trong quá trình học tập. Nếu không xử lý được các tác động tiêu cực của defense mechanism, chúng có thể gây ra căng thẳng, lo âu, hoặc stress, ảnh hưởng đến sức khỏe và trạng thái tâm lý.
Hãy chấp nhận bản thân mình đang rơi vào cơ chế phòng thủ.

Khi biết bản thân đang rơi vào cơ chế phòng thủ hãy tự nhận thức và chấp nhận bản thân. Bạn nên thực hiện một cuộc đối thoại với bản thân để hiểu rõ hơn về các cảm xúc và suy nghĩ của mình. Sau đó chấp nhận mọi sự thật và lắng nghe nhận xét một các tích cực.

Tránh gây xung đột khi tranh luận

Trong quá trình peer feedback thì sẽ không tránh khỏi việc công kích cá nhân hoặc phản hồi sai kiến thức, thay vì nổi nóng bạn nên kiểm tra lại kiến thức của mình để đảm bảo rằng bạn hiểu đúng về vấn đề đang tranh luận. Thảo luận trực tiếp với bạn học về sự nghi ngờ của bạn. Nói chuyện một cách lịch sự và không thể hiện sự chỉ trích hay đánh giá tiêu cực về người đó. Hãy lắng nghe quan điểm của bạn học và trao đổi để giải quyết vấn đề một cách hòa bình và xây dựng.

Nhưng nếu vẫn không thể giải quyết vấn đề, hãy tìm sự hỗ trợ từ giáo viên hoặc cố vấn. Tránh các hành động quá khích hoặc quấy rối vì chúng không giải quyết vấn đề mà ngược lại làm tăng thêm căng thẳng và xung đột giữa bạn và bạn học.

Để việc sử dụng phản hồi từ bạn học đạt được hiệu quả

Việc sử dụng peer feedback được xem là một bước quan trọng của quá trình học bên cạnh vai trò quen thuộc của người dạy. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp thực tế việc sử dụng phản hồi từ bạn học không đạt được hiệu quả như mong đợi vì rất nhiều lý do, ví dụ như khi người học không thực sự nghiêm túc đưa ra phản hồi cho bạn mình hoặc người học tránh làm bạn mình mất mặt bằng cách đưa ra phản hồi mang tính hoàn toàn tích cực.

Theo Naumoska (2009), sinh viên sử dụng peer feedback một cách nghiêm túc và luôn sẵn sàng đón nhận cũng như đưa ra các ý kiến khen, chê thay vì chỉ lo sợ làm bạn mình buồn hoặc thất vọng. Theo như Nilson (2003), để cho hoạt động này trở nên có ích họ cần tránh các tình huống sau đây:

  • Có thái độ chỉ trích, phê phán gay gắt, hời hợt và bất hợp tác.
  • Chỉ tập trung vào những điều mình thích và không thích hơn là chất lượng. 
  • Quá chú trọng vào những lỗi nhỏ, vụn vặt
  • Quan tâm đến sự đồng ý hay không đồng ý của việc tranh cãi hơn là tính
    logic và dẫn chứng cho lý lẽ.
  • Quá gay gắt không cần thiết hoặc những lời chỉ trích không mang tính xây dựng
  • Gây ra những mâu thuẫn giữa cho bạn học
  • Đưa ra những nhận xét không chính xác hoặc không có căn cứ.

Peer feedback là cơ hội để bạn vận dụng kiến thức đã học và đồng thời tự phát hiện lỗ hổng kiến thức của bản thân từ sớm. Cần phải thực hiện peer feedback một cách đúng đắn và chuyên nghiệp, có quy trình và hướng dẫn cụ thể cho sinh viên tham gia vào quá trình peer feedback, đồng thời cần đảm bảo sự tôn trọng và hỗ trợ lẫn nhau giữa các thành viên trong nhóm.

Nhận peer feedback với tâm thế cởi mở, mình có thể sai và bạn bè cũng có thể sai, điều quan trọng là chúng ta học được cả kĩ năng cứng lẫn kĩ năng mềm sau mỗi lần peer feedback.

Đăng ký để mở khóa premium content

Những bài viết cung cấp kiến thức chuyên sâu, giúp bạn vững vàng hơn và đạt được kết quả tốt

Coming soon
No items found.
Coming soon
No items found.
Coming soon
No items found.