Vì đâu thầy cô thì hết sảy mà học trò thì hết hồn

Nguyên Cao
December 20, 2023
Theo dõi chúng mình tại:

Trong bất kỳ quá trình dạy học nào cũng tồn tại sự tương tác giữa ba yếu tố: người dạy, người học và hoạt động dạy học

Mối quan hệ giữa người dạy và người học?

Trong hệ thống giáo dục trước đây, mối quan hệ giữa người dạy và người học được hiểu là chủ thể - đối tượng, trong đó giáo viên là chủ thể toàn quyền quyết định mục tiêu, nội dung và phương thức tác động đến người học, còn người học thì thụ động. Vì vậy, hoạt động dạy học chủ yếu là truyền giảng và các phương pháp giáo dục “cứng nhắc" của người dạy.

Ngày nay, hoạt động dạy được quy về các hoạt động định hướng, giúp đỡ, tổ chức và động viên việc học tập của học viên. Có 3 trường hợp xảy ra:

  • Thứ nhất: Người dạy chỉ đóng vai trò hướng đạo, chủ yếu là định hướng cho người học, còn người học tự mình giải quyết vấn đề.
  • Thứ hai: Người học vừa cần có sự định hướng vừa cần có sự trợ giúp của người dạy. Người học không thể tự mình hoạt động có hiệu quả trong môi trường học tập. Vì vậy để giảm bớt sai lầm cho họ, giáo viên một mặt tạo cho họ môi trường học tập, định hướng cho họ, mặt khác thường xuyên giúp đỡ họ khi cần thiết. Trong trường hợp này, đôi khi người học sẽ gặp được thầy cô tuy giỏi chuyên môn nhưng lại thiếu kĩ năng sư phạm, truyền đạt chưa hiệu quả, chưa “bắt mạch” đúng vấn đề của học sinh, chưa đủ tâm để truyền đạt hết những gì mình có hay chưa đủ kiên nhẫn để uốn nắn.

            => Người học không tiến bộ phần lớn là do thầy cô.

  • Thứ ba: Người học chưa thể tự mình tổ chức việc học tập và tu dưỡng. Vì đây là quá trình bao gồm cả chỉ dẫn tổ chức và điều khiển hoạt động của người học bằng nhiều phương pháp khác nhau, nên trong trường hợp này cần có sự can thiệp trực tiếp của người dạy. Bên cạnh đó, thầy cô vừa phải giỏi chuyên môn kèm theo đó là có kĩ năng sư phạm và có tâm, nhẫn nại.

           => Người học vẫn không tiến bộ … nhưng mà khoan đã, học giỏi thì phải biết ơn thầy cô, mà sao học dở thì phải xem lại mình?

Chúng ta phải hiểu một sự thật hiển nhiên là thầy cô dù “thần thánh” tới đâu cũng không thể học thay phần của học trò. Nhiệm vụ của thầy cô chỉ là truyền tải kiến thức và tạo điều kiện để quá trình lĩnh hội khái niệm được diễn ra.

Quá trình lĩnh hội khái niệm

Quá trình lĩnh hội khái niệm là một khái niệm bị đánh giá là trừu tượng và khó nắm bắt.

Lĩnh hội khái niệm khoa học là một quá trình nhận thức phức tạp từ nhận thức cảm tính (cảm giác, tri giác) sang nhận thức lý tính (tư duy, tưởng tượng). Quá trình lĩnh hội khái niệm là việc cá nhân tiếp nhận một khái niệm đang tồn tại dưới hình thức vật chất (KHÁCH QUAN) sau đó sẽ chuyển khái niệm đó sang hình thức tinh thần (CHỦ QUAN). Đây là quá trình nhận thức gián tiếp đối với sự vật, hiện tượng sau đó sẽ đi sâu vào phân tích bản chất của sự vật, hiện tượng đó. Nó phản ánh trực tiếp đối tượng bằng các giác quan của chủ thể nhận thức. Ngoài ra, nó còn phản ánh cả cái tất nhiên và ngẫu nhiên, bản chất và không bản chất.

Nói một cách cụ thể lĩnh hội khái niệm là chỉ sự tiếp thu của học sinh về kiến thức, khái niệm và vận dụng chúng vào thực tiễn, qua đó hình thành năng lực và tạo ra sự phát triển của từng học sinh. Sự lĩnh hội khái niệm bao giờ cũng dựa vào kiến thức nền tảng của học sinh từ đó các khái niệm mới sẽ bổ sung vào. Đồng thời, trong hoạt động học tập nó luôn diễn ra dưới sự hướng dẫn của giáo viên. Chất lượng lĩnh hội khái niệm được đánh giá dựa theo ba tiêu chí sau: 

  • Khả năng nắm bắt được bản chất sự vật, hiện tượng.
  • Khả năng ghi nhớ (lưu giữ)
  • Khả năng vận dụng vào thực tiễn (đặc biệt là các trường hợp mới).

Sự lĩnh hội khái niệm còn phụ thuộc vào những yếu tố tâm lý chung cũng như của từng cá nhân cụ thể. Muốn nâng cao chất lượng lĩnh hội khái niệm, người học cần phải nhận biết đâu là điều kiện cần và đủ để có thể phát huy tối đa việc lĩnh hội. 

Thái độ học tập là điều kiện cần thiết trong quá trình học tập thể hiện qua sự chú ý và hứng thú học tập. Thái độ tuy chỉ mang tính tạm thời nhưng nếu được nuôi dưỡng đúng cách nó sẽ trở nên vững chắc và chi phối toàn bộ quá trình.

Sự chú ý và hứng thú trong học tập được xem như là động lực ngoại tại và nội tại luôn đi liền và có sự tác động qua lại với nhau. Để trí óc lĩnh hội một cách có kỷ luật, tổ chức từ đó tạo nên trạng thái học tập tích cực cần phải có sự chú ý. Khi sự chú ý (ngoại tại) được phát huy thì người học sẽ có hứng thú (nội tại), và ngược lại khi đã có sự hứng thú thì sự chú ý sẽ xuất hiện trong quá trình học tập, nghiên cứu. 

“Chú ý là cánh cửa, qua đó tất cả những gì của thế giới bên ngoài đi vào tâm hồn con người” 

Bên cạnh điều kiện cần để phát huy khả năng lĩnh hội khái niệm cần phải trau dồi và rèn luyện điều kiện đủ - khả năng ghi nhớ, gìn giữ thông tin thu được và có thể lấy ra bất cứ lúc nào cần đến để sử dụng trong các trường hợp, hoàn cảnh mới. Đây chính là khả năng vận dụng tri thức một cách sáng tạo nhưng nhiều người cho rằng lĩnh hội khải niệm chỉ cần dừng lại ở mức độ hiểu và nhớ. Điều kiện này yêu cầu người học phải vận dụng vốn kiến thức của mình một cách sáng tạo, chủ động tìm kiếm, phát hiện giải quyết vấn đề theo một giải pháp được cho là tối ưu nhất.   

Đâu là trách nhiệm của người dạy, đâu là nhiệm vụ của người học?

Trong quá trình học tập, người dạy chỉ đóng vai trò hướng đạo, chủ yếu là định hướng cho người học, còn người học tự mình giải quyết vấn đề. 

Trách nhiệm của người dạy là tạo điều kiện thuận lợi cho người học. Nội dung tài liệu học tập ảnh hưởng đến nội dung lĩnh hội nên cần được thay đổi thường xuyên, bổ sung và cập nhật cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn nhưng cũng cần phải đáp ứng nhu cầu và kích thích sự chú ý của người học. Tuỳ thuộc vào nội dung tài liệu mà chọn hình thức thích hợp như mô hình, sơ đồ, ngôn ngữ,... và trình bày hấp dẫn, lôi cuốn gây nên sự hứng thú của người học khi sử dụng tài liệu. Ngoài yêu cầu chính xác, khoa học, phải đảm bảo sao cho phát huy tối đa tính chủ động, sáng tạo của người học. 

Ví dụ: thầy cô sử dụng hình ảnh minh hoạ, sơ đồ tư duy để giảng dạy hay tổng hợp kiến thức. Phân chia các tiết học thực hành và lý thuyết đan xen nhau.   

Nhiệm vụ của người học là chủ động tìm tòi, nghiên cứu và vận dụng dưới sự hướng dẫn của thầy cô. Rèn luyện tư duy một cách thuần thục như so sánh, phân tích, tổng hợp kiến thức để vận dụng tri thức một cách sáng tạo. Ngoài ra, người học cần phải học trên tinh thần tích cực, học bằng sức mạnh nội tại. 

Ví dụ: việc thầy cô chỉ cách học mà học sinh không làm theo,  không làm bài tập về nhà, không tự tìm hiểu tài liệu, còn nghĩ là học thầy cô giỏi thì mình sẽ tự động giỏi, không biết phân bổ thời gian cho việc học hợp lý, còn thiếu tập sự kỉ luật và tập trung.

Sự hướng dẫn của thầy cô là chất xúc tác, còn hiện thực hóa chúng được hay không là do chính mình.

Có rất nhiều phương pháp giúp cho việc hình thành, phát triển, vận dụng khái niệm trong môi trường học tập có hiệu quả. Nhưng điều quyết định đến chất lượng đó chính là vai trò của người học. Biết tận dụng những yếu tố thuận lợi trong môi trường học tập, ngoài những yếu tố thúc đẩy từ thầy cô, với bản chất nhận thức sáng tạo nên áp dụng thêm nhiều biện pháp khác do chính bản thân phát hiện ra trên con đường học vấn.

“Và quy luật sau đây không kém phần quan trọng: những kết quả học tập của học sinh sẽ trùng hợp với những điều mong đợi khi và chỉ khi nào mục đích, nội dung, các hình thức và các phương pháp dạy học hoàn toàn tương xứng với nhau” - nhà giáo dục học Nga, B.I. Kôrôchiaep
Reference
  1. Trần Thị Ngọc Anh; ĐỀ XUẤT MỘT SỐ BIỆN PHÁP NÂNG CAO KHẢ NĂNG LĨNH HỘI KHÁI NIỆM CHO HỌC SINH, SINH VIÊN; Tạp chí Giáo dục, Số đặc biệt Kì 2 tháng 5/2018, tr 266-269.
  2. Hoàng Thị Thu Hiền, Nguyễn Thị Lan; Tâm lý học về sự lĩnh hội khái niệm; Giáo trình tâm lý học; trang 144-149.

Đăng ký để mở khóa premium content

Những bài viết cung cấp kiến thức chuyên sâu, giúp bạn vững vàng hơn và đạt được kết quả tốt

Coming soon
No items found.
Coming soon
No items found.
Coming soon
No items found.